“Hành lang rộng chạy dài giữa khu E được trải bằng loại vải sơn lát sàn màu xanh lá úa nhợt nhạt. Do đó, ở các khu khác người ta gọi là “chặng đường cuối”, còn ở Cold Mountain gọi là “Green mile”...Chuyện gì xảy ra ở Green Mile, sẽ mãi mãi ở lại Green Mile..."


The Green Mile là bộ phim gây nhiều ám ảnh. Con đường dẫn tù nhân từ xà lim đến nơi hành quyết được đặt tên là Green Mile (con đường màu xanh) nhưng thật bi kịch. Trên con đường đó, đầu tiên người ta cho phạm nhân tập… ngồi vào ghế điện để cảnh sát tập thao tác, rồi cạo đỉnh đầu để chuẩn bị… hành quyết! Bộ phim đã làm cho tất cả những ai xem cũng phải lên án sự dã man cùng tột này. Trong đó, sự tàn nhẫn đầy thú tính của Percy được đẩy đến mức tột cùng: muốn cho tử tù phải vật vã thật lâu trước khi chết, Percy đã không tẩm miếng mouse dẫn điện và buổi hành hình biến thành cuộc chơi tàn nhẫn của trò nướng.. thịt người! Những người chứng kiến trong phim đã “ói đầy sàn nhà”, và với khán giả, ai xem cảnh này cũng cảm thấy sốc vì quá tàn nhẫn! Phim sau đó đã khiến dư luận lên án mạnh mẽ việc tử hình bằng ghế điện và việc giam giữ những tù nhân vô tội. Dù “chuyện gì xảy ra trong Mile, hãy để ở lại trong Mile”, nhưng rõ ràng những gì xảy ra ở Ngàn dặm xanh khiến nhiều người ám ảnh.


Xem Green Miles để hiểu ra rằng khi đối diện với cái chết, con người ta luôn trở về với đúng lương tri của mình, dù cho họ có thể là tên tù nhân pham tội giết người. "Có khi nếu được gặp anh trước đây thì có lẽ tôi đã không ở đây", câu nói ấy của tử tù Eduard đã khiến nhiều người nhớ mãi. Chính hành động nhân văn của quản ngục Paul đã khiến một tử tù “lắm tù nhiều tội” như Eduard cũng phải mong làm lại cuộc đời. Sự nhân văn đó đã truyền vào Eduard, ông đã lo cho tính mạng của con chuột mà ông gọi là “Ngài Zinger” trong khi vẫn bình thản đi đến ghế điện để kết thúc sinh mạng của mình. Người xem trở nên có thiện cảm với những tử tù (trừ Bill “hoang dã”, thủ phạm giết chết hai đứa bé), nhưng ai cũng phải chấp nhận rằng, bất kỳ hành động tội ác nào cũng phải có cái giá phải trả.

Phim đâu đó cũng khiến người xem hụt hẫng và tiếc, bởi với khán giả, nhất là khán giả Việt, người tốt phải có cái kết có hậu, nhưng cái kết trong phim hơi “tàn nhẫn”. Nhiều khán giả đã rơi lệ khi John Coffey chấp nhận cái chết vì anh quá mệt mỏi với những gì mắt thấy tai nghe trên thế gian này. Ngoài ra, mạch phim hơi chậm, những cảnh quay cứ từ từ, trôi đi một cách chậm chạp giống như cái thời gian trôi qua lặng lẽ của nhà tù khiến phim có vẻ nặng nề. Hơn nữa, thời lượng phim dài hơn 3 giờ cũng khiến nhiều khán giả “lăn tăn” trước khi xem, nếu “khôn ngoan” hơn một chút, một vài cảnh trong phim có thể cắt đi để phim ngắn hơn nhưng vẫn mượt mà.

Một bộ phim không ồn ào nhưng khiến khán giả phải suy ngẫm, phải “ngẩn ngơ” nhiều lần sau khi bộ phim kết thúc.


“Tôi mệt mỏi. Mệt mỏi trên con đường, cô đơn như một con chim sẻ trong mưa. Tôi mệt mỏi với chuyện không có người bên cạnh để nói với tôi rằng chúng ta từ đâu đến, sẽ đi về đâu hay vì sao. Tôi chán ngán việc con người cư xử tệ với nhau, với những nỗi đau đầy rẫy thế gian này, hàng ngày, quá nhiều những chuyện đó, như thể hàng ngàn mảnh thuỷ tinh nhảy nhót trong đầu tôi, suốt ngày.” - John Coffey.


"Hầu như đêm nào tôi cũng nghĩ đến chuyện này. Và tôi chờ. Tôi nghĩ đến những người thân yêu...giờ đã đi xa. Tôi nghĩ đến Jan yêu kiều của tôi...tôi đã mất nàng như thế nào nhiều năm về trước. Và tôi nghĩ đến chúng tôi...những người từng bước dọc hành lang Green Mile. Nhưng có 1 điều này làm tôi trằn troc suốt đêm: Nếu anh ta có thể làm 1 con chuột sống lâu như thế... thì tôi phải sống thêm bao lâu nữa? Mỗi người chúng ta đều mắc nợ tử thần. Không có ngoại lệ. Nhưng, Chúa ơi...đôi khi...ký ức về Green Mile quá dài..." - Paul Edgecomb.


Categories:

Leave a Reply