Từng suýt bị chối bỏ khi mới ra mắt nhưng sau gần 20 năm, bộ phim đầu tay của đạo diễn Frank Darabont đã trở thành một tác phẩm điện ảnh yêu thích nhất của hàng triệu người.

Từng có không ít người tự đặt câu hỏi: “Bộ phim nào là hay nhất trong lịch sử điện ảnh?” và dùng nhiều công cụ để tìm kiếm câu trả lời. Nhiều tạp chí điện ảnh, những cuộc bầu chọn khác nhau đem tới nhiều đáp án nhưng trên trang web nổi tiếng nhất về môn nghệ thuật thứ bẩy là IMDB, bộ phim The Shawshank Redemption (tạm dịch là Nhà tù Shawshank) đang đứng sừng sững ở vị trí đáng mơ ước ấy.


Một kiệt tác suýt bị chối bỏ

Ra đời năm 1994 và nhận được những đánh giá tương đối tích cực từ giới phê bình nhưng The Shawshank Redemption vẫn ra về trắng tay tại các giải thưởng, đặc biệt là Oscar dù được đề cử ở tận bẩy hạng mục. Lý do đơn giản là bởi năm ấy, làng điện ảnh thế giới chào đón hai bộ phim khác đình đám hơn là Pulp Fiction và Forrest Gump. Không chỉ bị các giải thưởng ngó lơ, đến cả khán giả cũng ngoảnh mặt lại với tác phẩm này khi doanh thu của phim chỉ đạt con số khiêm tốn 28 triệu USD.

Với thế hệ hiện nay, đây là một bộ phim kinh điển nhưng vào thời điểm The Shawshank Redemption mới ra mắt, thật khó để hút khách tới rạp với một tiêu đề chẳng có chút gì hấp dẫn. Đề tài nhà tù vốn đã kén người xem, chưa kể đa phần thời lượng phim đều là thoại. Các đấng mày râu không mấy hào hứng trước viễn cảnh xem cuộc đời của những phạm nhân nam, trong khi phái nữ chẳng hề thoải mái trước một tác phẩm mà chỉ có đúng hai nhân vật nữ có lời thoại và cả hai đều xuất hiện rất chớp nhoáng.

Nhưng chính những điểm yếu ấy sau này lại khiến bộ phim trở nên nổi tiếng với khán giả bởi họ nhận ra chính trong nơi tối tăm ấy, một khúc ca bất hủ về tình bạn và hy vọng được vang lên. Shawshank là tên nhà tù nơi Andy Dufresne (Tim Robbins) thụ án chung thân do là nghi phạm duy nhất trong vụ án bắn chết vợ và tình nhân của ả.

Khi bị kết án năm 1947, Andy đang là nhân viên ngân hàng thành đạt và bản án ấy có lẽ là dấu chấm hết cho cuộc đời anh, bởi làm sao một “ma mới” vốn quen chăn ấm đệm êm như anh có thể sống mãi trong một xà lim tồi tàn, vây quanh bởi những kẻ tù tội? Nhưng không, người đàn ông có dáng vẻ trầm tư ấy vẫn bền bỉ, tìm cách thích ứng với cuộc sống trong Shawshank mà không kêu ca lấy một lời.

Trong cái nhà tù mà “ai cũng đều vô tội” ấy, Andy làm bạn với những tù nhân khác, như ông già đưa sách Brooks (James Whitmore), tay Heywood (William Sadler) lắm mồm và cũng có không ít kẻ thù như nhóm của tên Bogs (Mark Rolston) bởi sự kiên nghị của mình. Nhưng nổi bật nhất vẫn là tình bạn của anh với Red (Morgan Freeman), một người tù chung thân có khả năng móc ngoặc và tuồn những món đồ hiếm ở ngoài vào cho phạm nhân. Là hai kẻ xa lạ lúc đầu nhưng tình bạn của cả hai càng thêm bền chặt theo năm tháng với bao sự kiện xảy ra, để lại những ấn tượng khó phai cho những ai từng xem phim.


Sự “cứu rỗi” của Hollywood

Vào thời điểm Hollywood bắt đầu phát triển mạnh về kỹ xảo và các phim hành động bom tấn, sự xuất hiện của những tác phẩm như The Shawshank Redemption quả thực là sự cứu rỗi cho môn nghệ thuật thứ bẩy (Redemption trong tiếng Anh có nghĩa là “Sự cứu rỗi”). Trong bộ phim điện ảnh đầu tay của mình, đạo diễn Frank Darabont kể một câu chuyện diệu kỳ về tình bạn theo một cách đơn giản nhất nhưng cũng đẹp nhất.

Cơ duyên để Darabont được làm bộ phim này cũng tới từ tình bạn với một người mà ông chưa từng được gặp cho tới khi chuẩn bị làm phim về Shawshank - cây bút viết truyện kinh dị nổi tiếng Stephen King. Bị ấn tượng mạnh bởi phim ngắn The Woman in the Room (1983) của Darabont, King chủ động liên hệ và trao đổi thư từ với đạo diễn này và quyết định bán bản quyền tiểu thuyết ngắn Rita Hayworth and The Shawshank Redemption với giá rẻ như cho không. Chính Darabont sau này cũng là người chuyển thể lên màn ảnh cuốn tiểu thuyết cùng lấy đề tài nhà tù The Green Mile của Stephen King, một kiệt tác điện ảnh đầy xúc động khác.

Từ khi còn nằm trên bàn giấy, những cái tên hút khách như Tom Cruise, Brad Pitt, Charlie Sheen hay Harrison Ford được gợi ý để tham gia The Shawshank Redemption, như một sự đảm bảo thành công phòng vé. Nhưng Darabont từ chối bởi ông không muốn những siêu sao điển trai ấy vào vai tù nhân mà cần những diễn viên ít tên tuổi, “bình dân” hơn để đem cho khán giả cảm giác như đang chứng kiến một nhà tù thực sự.

Lựa chọn để Tim Robbins cùng Morgan Freeman đảm nhiệm hai vai chính của Darabont thực sự là những quyết định sáng suốt. Nhân vật Andy khiến người xem bị cuốn theo từ những khung hình đầu tiên với thắc mắc liệu anh có phải một người vô tội. Càng xem, khán giả càng thấy cảm phục người đàn ông này bởi dù có bị đánh đập tàn tệ, dù có nở nụ cười cay đắng khi bị đối xử bất công nhưng không lúc nào ánh mắt anh không sáng lên ngọn lửa hy vọng. Còn Morgan Freeman thì đơn giản là được sinh ra để dẫn dắt câu chuyện với chất giọng hào sảng, ấm áp mang đầy tính chiêm nghiệm cuộc đời của một người đàn ông từng trải.

Không sử dụng kỹ xảo, các cảnh quay trong phim đều tạo cảm giác chân thực và hướng về ánh sáng, như một dụng ý của Darabont. Nhà tù Shawshank như một xã hội thu nhỏ, với đủ thành phần tốt xấu khác nhau, trong đó có những người hướng thiện như Andy hay Red, có kẻ quen dùng bạo lực để nói chuyện như cai ngục Hadley (Clancy Brown) và cả mưu mô xảo quyệt như giám đốc trại giam Norton (Bob Gunton).

Chính sự đa dạng này cùng diễn xuất tự nhiên, lôi cuốn của dàn diễn viên đã khiến The Shawshank Redemption không bị lãng quên mà trái lại, ngày càng có sức hút theo thời gian. Năm 1995, một năm sau khi được phát hành, tác phẩm này trở thành bộ phim được thuê băng video nhiều nhất tại Mỹ. Sau này, số lượng video, DVD hay lượt được phát trên truyền hình của The Shawshank Redemption đều đạt mức kỷ lục.

Nhà phê bình quá cố Roger Ebert đánh giá đây là một trong những phim hay nhất ông từng xem, còn Viện Điện ảnh Mỹ AFI vào năm 2007 xếp tác phẩm ở vị trí thứ 72 trong danh sách phim hay nhất lịch sử Mỹ, vượt qua cả hai đối thủ năm xưa là Pulp Fiction (thứ 76) hay Forrest Gump (94). Còn kể từ năm 2008 tới nay, The Shawshank Redemption đứng thứ nhất trên bảng xếp hạng của IMDB, như một sự ghi nhận của cộng đồng yêu phim trên khắp thế giới.


Bài ca của tình bạn, sự tự do và hy vọng

Stephen King là một bậc thầy về viết truyện kinh dị và những tinh hoa trong ngòi bút ấy vẫn được giữ nguyên, nếu không muốn nói là có phần xuất sắc hơn, khi viết nên câu chuyện về Shawshank giàu tính nhân văn. Những câu chuyện trong phim đa phần được diễn ra qua thoại cùng lời bình của Red nhưng vẫn buộc người xem phải dán mắt vào màn hình và khiến họ trải qua đủ cung bậc cảm xúc.

Trong những lát cắt của cuộc sống nhà tù, Andy hiện lên như một Đấng cứu thế, một biểu tượng của niềm tin. Anh miệt mài viết thư hàng tuần đề nghị được cấp kinh phí xây thư viện trong tù cho tới khi chính phủ “phát ngấy” và buộc phải hỗ trợ Shawshank. Anh giúp tên cai ngục Hadley về công việc tài chính chỉ để đổi lấy một chầu bia cho các người bạn tù và chứng kiến nụ cười trên môi họ. Anh chấp nhận ngồi biệt giam cả tháng liền chỉ để bật một bản nhạc opera qua loa phát thanh của nhà tù, khiến “mọi người đàn ông tại Shawshank đều cảm thấy được tự do, dù chỉ trong tích tắc”. Anh kiên nhẫn xóa mù chữ cho tù nhân trẻ Tommy (Gil Bellows) dù chàng trai này có những lúc tưởng như bỏ cuộc.

The Shawshank Redemption gây xúc động không chỉ bởi Andy mà còn ở những mảnh đời khác. Dù đều là phạm nhân và gây ra lỗi lầm trong quá khứ nhưng khi xem phim, khán giả lại dễ dàng yêu mến những Brooks, Red... bởi sự chân thành trong cảm xúc từ họ. Các câu chuyện về những ông già này lại đem tới một góc nhìn khác với sự cô quạnh của tuổi già và nỗ lực tái hòa nhập với xã hội có thể khiến ngay cả phái mạnh cũng rơi nước mắt.

Phim có một sự đối đầu thiện - ác giữa Andy với giám đốc Norton với kết cục đầy bất ngờ. Nhưng giống như một cuốn sách hay, The Shawshank Redemption còn làm được nhiều điều hơn chỉ là giải trí. Xem phim, khán giả cảm thấy trân trọng hơn sự tự do, tình bạn và những điều bình dị nhưng đẹp đẽ trong cuộc sống. Andy là nhân vật tạo nên cảm hứng, hy vọng. Cái kết tác phẩm chính là một hình ảnh ẩn dụ tuyệt vời, với màu xanh của bầu trời, biển Thái Bình Dương như đại diện cho một giấc mơ về tình yêu cuộc sống.


“Hy vọng là một thứ tốt đẹp và có lẽ là tốt đẹp nhất. Và chẳng thứ tốt đẹp nào có thể chết cả” - những từ mà Andy nói với Red cũng ứng nghiệm với The Shawshank Redemption, khi kiệt tác về tình bạn, cuộc sống và hy vọng này sẽ trường tồn mãi trong lịch sử điện ảnh.


Thịnh Joey

Nguồn : VnExpress

Categories:

Leave a Reply